Chuyển đến nội dung chính

Ngang nhiên lấn chiếm, san lấp vùng cảng Sa Kỳ vì có ‘người nhà làm quan chức’?

Hàng trăm m2 mặt nước cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang bị một gia đình ngang nhiên đổ đá san lấp, lấn chiếm để làm nơi kinh doanh, ăn ở với mức độ ngày càng nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc.

Quảng Ngãi: Lấn cảng, lấn đường làm kiot ở Sa Kỳ gây bức xúc

Việc tàu thuyền ra vào, neo đậu tại cảng Sa Kỳ và trú tránh bão bị cản trở, gây nguy hiếm ,bởi công trình lấn chiếm

Đó là trường hợp lấn chiếm của gia đình bà Nguyễn Thị Như Cẩm, trú thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm qua, việc ngang nhiên lấn chiếm, san lấp trái phép khu vực mặt nước cảng Sa Kỳ để làm nơi kinh doanh của gia đình bà Cẩm khiến địa phương đau đầu nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý rốt ráo. Dư luận địa phương cho rằng, do gia đình bà Cẩm có người thân đang là cán bộ lãnh đạo một cơ quan trên địa bàn tỉnh, nên mới được tồn tại (?).

Công trình và diện tích lấn chiếm, san lấp trái phép khu vực mặt nước cảng Sa Kỳ của gia đình bà Cẩm để kinh doanh, làm nơi ở

Được biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần xử lý, lập biên bản. Tuy nhiên, gia đình không chấp thuận mà còn lợi dụng thời gian ban đêm các ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật) để tiếp tục bồi lấp, cơi nới diện tích vừa được lấn chiếm.

Việc làm trên không chỉ là hành vi trái pháp luật mà còn gây cản trở, vướng mắc cho tàu thuyền ra vào, neo đậu, tránh trú bão ở khu vực này, đặc biệt là số tàu khách tuyến Lý Sơn-Sa Kỳ và ngược lại khi ra vào đón, trả khách tại cảng.

Địa phương và ngành chức năng nhiều lần ra văn bản xử lý trường hợp này nhưng vẫn chưa thể là gì

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, việc lấn chiếm trái phép của gia đình bà Nguyễn Thị Như Cẩm không phải ở nơi “heo hút”, mà ngay khu vực mặt nước Cảng Sa Kỳ và mặt tiền của Quốc lộ 24. Đây cũng là một trong những khu vực đông đúc dân cư.

Và công trình lấm chiếm vẫn ngang nhiên tồn tại

Nhiều người dân nơi đây tỏ ra bức xúc trước sự việc này. “Tình trạng đã tồn tại trong một thời gian dài, chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra, lập biên bản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được xử lý triệt để. Ở khu vực này đất được xem như là vàng, thì hàng trăm m2 mặt nước bị gia đình bà Cẩm lấn chiếm, san lấp làm nơi kinh doanh giải khát và để ở, tại thời điểm này có giá trị lên đến nhiều tỷ đồng”, anh N. H. L bức xúc nói.

Tháng 4/2019, gia đình bà Cẩm bị lực lượng chức năng địa phương lập biên bản vi phạm, yêu cầu tháo dỡ phần tường rào xây dựng trái phép trên hành lang đường bộ Quốc lộ 24. Thế nhưng gia đình bà Cẩm không chấp hành.

Không những thế, vào đầu tháng 1/2020, gia đình bà Cẩm tiếp tục cơi nới khu vực mặt nước cảng Sa Kỳ ra khoảng 40m2 và dùng ghe chở đá đổ lấn chiếm vùng nước cảng Sa Kỳ, để bồi đắp và cơi nới 1 lô đất mới, có chiều rộng 5m theo mặt tiền đường Quốc lộ 24 và dài 7m (so với bờ) trong sự ngỡ ngàng của dư luận địa phương và bức xúc từ phía Ban quản lý cảng Sa Kỳ.

Thậm chí còn được cơi nới, bồi lấp thêm 1 lô đất mới

Một lãnh đạo Ban quản lý cảng Sa Kỳ (đề nghị giấu tên), cho biết: “Trong quá trình làm việc về những hành vi vi phạm (lấn chiếm mặt nước, hành lang đường bộ Quốc lộ 24), gia đình bà Cẩm có thái độ bất hợp tác, hành vi và lời nói thách thức, khó nghe, thậm chí còn gặp và gọi điện đe dọa”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Tấn Hải - Giám đốc Ban quản lý cảng Sa Kỳ (Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi), xác nhận: “Tình trạng lấn chiếm trái phép của gia đình bà Cẩm (tại vị trí trên) đã diễn ra trước năm 2016, trước khi tôi được điều động về công tác tại đây. Ban quản lý cảng đã nhiều lần báo cáo và có văn bản gửi cấp ngành địa phương và tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.

“Vị trí gia đình bà Cẩm lấn chiếm kéo dài từ bờ ra hàng chục mét, nằm sát với khu vực tàu khách tuyến Lý Sơn-Sa Kỳ cập cảng để đón, trả khách nên tiềm ẩn nguy cơ gây họa rất lớn. Nếu vụ việc không được sớm xử lý sẽ tạo tiền lệ xấu cho những hộ khác sống quanh khu vực, tiếp tục xâm lấn trái phép khu vực mặt nước của cảng”, ông Hải nói.

Về thông tin gia đình bà Cẩm có người thân là “cán bộ lãnh đạo” nên công trình vi phạm mới được ngang nhiên tồn tại thách thức dư luận và không bị cơ quan chức năng xử lý, đại diện một số cơ quan liên quan xin từ chối trả lời, với lý do đưa ra: “Đây là chuyện tế nhị, nhạy cảm”!

NGUYỄN NGỌC

Xem nguyên bài viết tại : Ngang nhiên lấn chiếm, san lấp vùng cảng Sa Kỳ vì có ‘người nhà làm quan chức’?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tàu lạ đâm chìm tàu ngư dân Lý Sơn đang khai thác rong biển ở Hoàng Sa

Trong lúc tham gia khai thác rong biển (rau chân vịt) tại ngư trường Hoàng Sa, một tàu cá cùng 7 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị tàu của nước ngoài đâm chìm. Hiện 7 ngư dân trên tàu cá đã được kịp thời cứu vớt và đang trên đường đưa về bờ. Chiều 27.5, thông tin từ UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, tàu cá bị đâm chìm mang số hiệu QNg 967.98 – TS, do ngư dân Lê Hơn (ở thôn Tây xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) làm chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 7 lao động đều là người địa phương. Tàu cá QNg 967.98 – TS cùng 7 lao động xuất bến tại đảo Lý Sơn ra khai thác rong biển tại ngư trường Hoàng Sa vào ngày 18.5 đến ngày 24.5. Khi tàu đang khai thác rong biển tại ngư trường Hoàng Sa thì bị tàu của nước ngoài xuất hiện, ngăn cản và đâm chìm. Chủ tàu cá bị nạn đã kịp thời liên lạc với tàu cá địa phương đang khai thác hải sản tại ngư trường này và được cứu vớt kịp thời. Ngay sau khi được cứu vớt lên tàu cá, chủ tàu bị nạn đã liên lạc về đất liền báo cáo và Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 2 đã ...

Lý Sơn tăng cường bảo vệ thương hiệu tỏi

Tại huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện nay, giá hành, tỏi đang liên tục giảm. Tại chợ huyện Lý Sơn, 1 kg tỏi khô loại 1 được tư thương thu mua với giá dao động ở mức 50.000-55.000 đồng, giá hành tím cũng chỉ trên dưới 15.000-17.000 đồng/kg, thấp hơn so với thời điểm sau Tết nguyên đán 20.000-30.000 đồng/kg. Theo lý giải của nhiều nông dân trồng tỏi, năm nay vì lượng tỏi được tư thương lén lút vận chuyển từ đất liền về đảo để trộn với tỏi Lý Sơn rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ kiếm lời nên tỏi Lý Sơn đang mất dần thương hiệu. Điều này khiến giá tỏi liên tục hạ dài. Được biết thời gian qua, huyện Lý Sơn đã tăng cường các biện pháp để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn bằng nhiều biện pháp. Cụ thể như hỗ trợ và vận động các chủ tàu thuyền không chở tỏi về đảo, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lén lút vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo để trộn với tỏi Lý Sơn… Phạm Mịnh Coi thêm ở : Lý Sơn tăng cường bảo vệ thương hiệu tỏi

Lý Sơn đạt tổng doanh thu từ du lịch hơn 276 tỷ đồng

Năm 2018, kinh tế Lý Sơn tiếp tục tăng trưởng ổn định, Quốc phòng an ninh được giữ vững, sản xuất, kinh doanh có bước chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Lý Sơn đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 11%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đã đạt trên 35 triệu đồng, tăng trên 5 triệu đồng so với năm 2017. Kết quả này xứng đáng để Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Lý Sơn tự hào về những thành tựu đạt được. Và, để có được thành quả trên, sự đóng góp của ngành du lịch – một ngành kinh tế trọng tâm được Lý Sơn xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020 là đặc biệt lớn. Chính sự lựa chọn phát triển du lịch để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội đã giúp cho đảo Lý Sơn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân trên đảo không ngừng được nâng cao. Bên đĩa bánh, hạt dưa ngày Tết, vợ chồng bà Võ Thị Lan – chủ dịch vụ du lịch home stay Loan Anh vui mừng vì năm 2018 là một năm làm dịch vụ du lịch thành công của gia đình mình. Mô hình du lịch home stay đã giúp...