Chuyển đến nội dung chính

Cuộc sống trên đảo Lý Sơn sau trận bão số 9

Khi bão số 9 đổ bộ, Lý Sơn trở thành huyện đảo đầu tiên hứng chịu những cơn cuồng phong. Những ngày này, người dân oằn mình khắc phục thiệt hại cả về người lẫn vật chất. “Ai cũng nghĩ lần này Lý Sơn đã thoát nạn cơn bão lớn. Chỉ thiệt hại nhà cửa, kinh tế. Nào ai ngờ sau bão rồi còn có người mất”, người dân Lý Sơn chua xót nói về đám tang của bà Cúc. Sau bão, đường điện tại đảo bị đứt gãy nhiều đoạn. Chính quyền đã thông báo để bà con sửa chữa, kiểm tra. Trong lúc dọn dẹp, người phụ nữ không may vướng vào dây điện bị hở của nhà hàng xóm và tử vong.

Đôi mắt của hai con trai bà - anh Quý, anh Trọng - đỏ hoe suốt dọc đường tiễn mẹ. Người ta đi đưa tang bà Cúc đông nghịt, ai ai cũng đau lòng.



- Chạy nhanh lên Phúc

- Tối quá, chờ em

Tiếng mấy đứa trẻ trong thôn Đông ríu rít gọi nhau khi trời đã sập tối. Trước bão, toàn bộ đảo Lý Sơn cắt điện. Khi cơn bão qua đi thì cũng 4-5 ngày, người dân sống trong cảnh không có điện.

Là hòn đảo độc lập giữa biển, Lý Sơn luôn hứng chịu những cơn giông tố đầu tiên, đến mức dân cư ở đây đã “quen” với cảnh bão bùng, mất điện. Mỗi khi mặt trời xuống biển, người ta lại lui vào trong nhà, hạn chế đi lại. Thỉnh thoảng, người dân trong thôn xóm lại tụ tập nhau để dùng bữa dưới ánh sáng chập chờn của đèn pin, đèn điện thoại.

Dọc phía bờ biển, rác, san hô chết... bị sóng đánh dạt vào bờ, kéo dài hàng km. Một số người dân đi lượm nhặt vỏ chai, thùng phi hoặc những đồ kim loại có thể bán được.




Hòn đảo xanh tan hoang sau bão

Suốt những trục đường bao quanh biển, người ta không còn thấy những hàng cây xanh thẳng tắp. Thay vào đó là màu lá úa do gió dập và những đống rác thải chất đầy khiến nhiều người phải bịt mũi, nhăn mặt khi đi qua. UBND huyện đảo Lý Sơn phải huy động lực lượng máy xúc, xe môi trường… để dọn dẹp.





Phóng viên Zing gặp ông Bùi Kim (một cư dân trên đảo). Ông kể năm 2009, Lý Sơn đã trải qua một trận bão lớn. “Ngày ấy cây cối đổ gãy, chết hết. Nhà cửa chưa chuẩn bị kỹ lưỡng nên thiệt hại vô cùng nặng nề. Sau bão, dân đói ăn từng ngày”.

Từ đó trở đi, đến cả việc xây nhà, trồng cây, trộn cát… người dân hòn đảo này buộc phải để tâm đến. Mái nhà của từng hộ đều là bờ lô được chằng chống chắc chắn, cố định bằng xi măng.

Chỉ một điều ông Kim không ngờ tới là sức gió khủng khiếp của cơn bão Molave lần này đã thổi bay mái nhà của mình. Người đàn ông ngoài 70 tuổi đến giờ vẫn còn bàng hoàng trước cảnh ngôi nhà chỉ còn lại 4 bức tường.

5h, cánh đồng trồng hành tỏi đã đông người. Nhưng tháng 11 không phải mùa thu hoạch. Dân đảo Lý Sơn ra đồng để nhổ bỏ số hành, tỏi đã gieo trồng trước bão. “Gió lớn, lá hành dập úa, chúng không sống được, phải nhổ để vứt đi”, bà Kính bấu tay xuống đất, đau đớn nhổ từng gốc hành lên. Số hành ấy bà mới trồng được 20 ngày, phần củ còn chưa kịp lớn.



Một số hộ dân trồng sớm hơn thì vớt vát lại được chút ít. Họ mau chóng đem số hành về nhà, bật quạt để hong sấy. Thay vì giá bán 50.000-70.000 đồng/kg như mọi năm, giờ họ phải chấp nhận bán số hành còi cọc này với giá 15.000 đồng. “Đành nhanh nhanh còn gieo lượt mới bù lại chứ biết phải làm sao”, bà Kính nói thêm.



Những ngày sau bão, Lý Sơn nhộn nhịp trở lại. Người dân nơi đây đã quen dần với việc khắc phục thiên tai, hậu quả sau bão. Phần vì chỉ sau vài ngày nữa, bão số 10 sẽ đổ bộ. Sửa chữa xong, họ lại bắt tay vào chống bão.

6h30, nắng sớm đã bao trùm khắp hòn đảo. Hôm nay, người ta lại thấy những chiến sĩ bộ đội được điều động, chia theo nhóm, vào từng thôn để giúp người dân sửa nhà. Đó là lực lượng pháo binh tại Quân khu 5 thuộc đảo Lý Sơn.

Nhóm thì mang theo liềm, cuốc… nhóm lại vác theo cưa máy, gỗ, đinh… Họ đi hạ cây đổ, dọn nhà chùa hay là trèo lên lợp mái giúp dân trên đảo. Công việc chẳng khi nào ngơi tay, cứ chỗ nào dân cần là họ lại chia nhau tới giúp.

- Anh em mệt chưa, gắng sức đến 12h chúng ta sẽ nghỉ nhé!

Trung đội trưởng Nguyễn Thanh Vinh (26 tuổi) vừa trèo trên mái nhà đang sửa, vừa khích lệ tinh thần của đồng đội. Vinh được phân công phụ trách một nhóm gồm 10 chiến sĩ. Người vác gỗ, người thì luôn tay dựng kèo đóng cột…

Sau cả sáng làm việc, những chiến sĩ trẻ tranh thủ rửa mặt mũi, tay chân rồi ăn trưa. Khẩu phần của cả đoàn chỉ là những phần cơm hộp thêm chút nước canh. Nhưng vì đói và thấm mệt, họ ăn một cách ngon lành.

“Công việc thì nhiều lắm, chúng em làm không xuể. Nhưng vẫn cứ làm thôi, giúp được dân bao nhiêu thì ta cứ giúp là vui rồi”, chiến sĩ Bảo Việt (20 tuổi) chia sẻ.


Nhịp sống trở lại

"Phần mái bị tốc đành phải chờ kinh phí, những phần còn lại chúng tôi ra sức khắc phục. Ngày mai đón học sinh tới trường rồi. Phải để các em an tâm đi học", thầy Phạm Hoàng Trường (Hiệu trưởng trường THCS An Hải) vừa sửa lại đường dây điện vừa nói với những giáo viên khác.

Trong khi người dân đang tất bật sửa lại nhà cửa, chằng chéo để chuẩn bị đón cơn bão mới thì trong khuôn viên trường THCS An Hải, thầy cô đã có mặt đầy đủ. Đây là ngôi trường chịu thiệt hại nặng nhất tại huyện đảo Lý Sơn sau bão số 9. Từ sáng sớm, thầy Trường gác lại công việc ở nhà, thầy tới trường cùng nhiều giáo viên khác để dọn dẹp. Các cô giáo lo thu xếp bàn ghế, quét dọn, phát mì tôm, sữa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.




Sáng 2/11, học sinh trường THCS An Hải tấp nập tới trường sau quãng thời gian dài nghỉ tránh bão, trên gương mặt của những cô cậu học trò vẫn là nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ.

Trước khi cơn bão số 10 đổ bộ, người dân đảo Lý Sơn có thêm quãng thời gian 3-5 ngày để quay lại nhịp sống thường nhật.

Những ngày gần đây biển động, tàu thuyền đánh cá không đi ra khơi xa mà chỉ đánh bắt quanh đảo. Họ ra khơi vào sáng sớm rồi quay lại để kịp cho phiên chợ lúc xế chiều.



Giữa tháng 10 âm là mùa trăng lên, như mọi khi, ngư dân sẽ không ra khơi. Vì ánh sáng của trăng sẽ làm phân tán đàn cá, khiến sản lượng thu được không cao.

Thế nhưng những ngày sau bão, lượng thực phẩm trên đảo khan hiếm. Những người dân chài lại gắng gượng làm việc, mong thu về được chút ít thành quả.

Đoạn đường ven biển thôn Tây An Vĩnh chiều nay tấp nập hơn những ngày bão. Anh Minh đổ số cá thu hoạch được xuống tấm bạt rộng để bà con dễ chọn.

Mấy ngày rồi anh mới lại ra khơi. Anh mừng vì mẻ cá của mình được mọi người quây lại mua nhanh chóng.

“Đánh cả ngày cũng được vài chục kg. Vất vả hơn mọi khi nhưng phải cố thôi. Giờ chúng tôi mà neo thuyền thì chết đói mất”, anh Minh nói.




Chiều nay, phía cảng chính, tàu cao tốc Sa Kỳ - Lý Sơn đã hoạt động trở lại, mang theo hàng hóa và đưa những người dân đi tránh bão trở về. Phía xa, những tia nắng dịu dàng cuối ngày đang dần buông xuống.

Vẫn nhẹ nhàng và êm đềm như chưa từng có sự xuất hiện của cơn bão dữ. Sau những tan hoang, mất mát, người dân đảo Lý Sơn nhanh chóng lấy lại cân bằng, quay lại cuộc sống sinh hoạt, sản xuất.

Thạch Thảo

Coi bài nguyên văn tại : Cuộc sống trên đảo Lý Sơn sau trận bão số 9

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bão số 13: Từ đêm nay 13-11, vùng biển miền Trung gió giật trên cấp 7

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa phát đi bản tin báo bão khẩn cấp về cơn bão số 13. Theo đó, từ đêm nay (13-11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 7-8, biển động dữ dội. Hồi 16h chiều nay (13-11), vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16h chiều mai (14-11), vị trí tâm bão nằm ngay trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/h), giật cấp 14. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấ

Chính quyền 1 cấp ở Lý Sơn: Đề xuất hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc

Bên cạnh đề xuất chuyển 57 cán bộ, công chức cấp xã thành biên chế cấp huyện, chính quyền Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng kiến nghị hỗ trợ thêm cho số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn sau khi nghỉ việc. Huyện đảo Lý Sơn sẽ không còn cấp xã Sẽ giải thể 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn Lý Sơn sẽ là “chính quyền huyện không xã” đầu tiên ? Lý Sơn: Hoàn thành việc bàn giao để giải thể cấp xã Ngày 20/3, ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Thực hiện xây dựng chính quyền một cấp, hiện tại 3/3 xã trên địa bàn huyện đã hoàn tất các thủ tục, thống kê, kiểm kê các tài sản và kể cả thống kê các tài liệu có liên quan và bàn giao cho huyện đúng tiến độ. Trong đó, xã An Vĩnh và An Hải bàn giao ngày 13/3; xã An Bình bàn giao ngày 14/3. Từ ngày 15/3, các xã không giải quyết không việc mới phát sinh, chỉ giải quyết những công việc tồn đọng. Việc bàn giao con dấu kết thúc trước 17h ngày 31/3/2020”. Các xã đã hoàn thành việc bàn giao công việc cho huyện. Th