Chuyển đến nội dung chính

Chính quyền một cấp ở Lý Sơn: Người dân hài lòng, công chức xã còn lo

Sau khi giải thể chính quyền cấp xã, chính quyền một cấp đi vào hoạt động, huyện Lý Sơn từng bước khắc phục những khó khăn, giải quyết các chế độ, thủ tục hành chính cho người dân một cách nhanh gọn.

Giải quyết nhanh thủ tục hành chính

Sau gần hai tháng đi vào hoạt động chính quyền một cấp tại Lý Sơn, mọi thủ tục hành chính đều giải quyết tại UBND huyện. Do đó, mỗi ngày số lượt người đến liên hệ, giải quyết các thủ tục tăng gấp đôi so với trước đây.

Tổ công tác bộ phận một cửa UBND huyện Lý Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại đảo Bé.

Ông Lê Văn Lành, ở xã An Vĩnh đến bộ phận tư pháp huyện làm thủ tục cho biết: “Từ khi chính quyền một cấp huyện đi vào hoạt động, tôi đến giải quyết thủ tục về đất đai, giấy tờ đều rất thuận lợi, không phải chờ đợi lâu. Nếu trước đây, khi đến UBND xã An Vĩnh, thì một số thủ tục phải chờ đưa lên huyện giải quyết. Giờ không phải đi nhiều nơi và cán bộ cũng giải thích, hướng dẫn nhiệt tình nên tôi rất hài lòng”.

Tại bộ phận tư pháp, các cán bộ cho biết, công việc hằng ngày nhiều gấp hai đến ba lần so với thời điểm chưa sáp nhập. Nếu trước đây chỉ có 3 cán bộ phụ trách, thì nay tăng lên 7 cán bộ để tiếp nhận hồ sơ, thủ tục và giải quyết kịp thời cho người dân. Chị Trần Thị Thủy, công chức làm công tác chứng thực cho hay: “Người dân làm thủ tục tại huyện sẽ nhanh chóng hơn trước vì không phải đi nhiều cửa. Tuy nhiên, công việc mỗi ngày rất nhiều, khối lượng công việc lớn, cán bộ chúng tôi cũng phải năng động và nỗ lực hơn để người dân hài lòng".

Tại đảo An Bình, để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân tại đây, huyện đã bố trí các cán bộ bộ phận một cửa luân phiên để tiếp nhận hồ sơ, giải quyết cho dân. “Lúc đầu, người dân lo khi phải lên huyện làm thủ tục, nhưng huyện đã cử cán bộ về tiếp nhận, giải quyết tại chỗ nên người dân rất an tâm. Trước đây, một số thủ tục phải lên huyện, đi nhiều cơ quan, giờ được tạo điều kiện giải quyết ngay tại đảo Bé”, anh Bùi Văn Thiện, ở thôn Bắc, xã An Bình chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Khôi, cán bộ bộ phận một cửa UBND huyện phụ trách giải quyết công việc tại đảo Bé cho hay: “Sau khi tiếp nhận một số thủ tục, chúng tôi chuyển ngay về huyện và nhận lại sau khi giải quyết xong trong ngày cho dân. Tổ tiếp nhận trực hai ngày/tuần”.

Cần sớm chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức huyện

Lý Sơn là huyện duy nhất của Quảng Ngãi không có chính quyền cấp xã. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện theo chức năng, nhiệm vụ nhanh chóng tiếp nhận công việc của các xã chuyển lên, cũng như bố trí cán bộ hợp lý, bổ sung cho các đơn vị để đủ nhân lực tiếp nhận, giải quyết công việc, tránh phiền hà cho người dân. Hiện Lý Sơn đã bố trí tạm thời 57 công chức cấp xã sau sáp nhập về các bộ phận liên quan của các phòng, ban, đơn vị huyện.

Anh Trần Văn Huân, trước đây là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã An Bình, sau khi giải thể chính quyền cấp xã, anh được huyện phân công tạm thời tiếp cận công việc nội chính tại văn phòng huyện. “Tiếp cận công việc mới tôi phải học hỏi rất nhiều. Ban đầu cũng có nhiều khó khăn, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, tìm hiểu các văn bản… Tuy nhiên, nhờ đồng nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ, tôi đã dần tiếp cận quen với công việc. Chúng tôi mong sớm được tuyển vào biên chế công chức huyện để ổn định công việc”, anh Huân bày tỏ.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết: Thực hiện chính quyền một cấp, công việc tại huyện tăng nhiều, nhưng người dân được giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, vì không qua các khâu trung gian như trước. Qua thực hiện vẫn gặp một số vướng mắc, đó là số cán bộ, công chức cấp xã chuyển về huyện, chưa chính thức được giao biên chế. “Hiện địa phương được tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng Đề án vị trí việc làm để trình Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương xem xét chuyển toàn bộ số cán bộ, công chức cấp xã trên thành công chức cấp huyện và đề nghị thực hiện lộ trình tinh giảm biên chế trong vòng 60 tháng. Đối với những cán bộ không đủ điều kiện, địa phương sẽ thực hiện tinh giản biên chế”, ông Việt nói.

Kim Ngân

Tham khảo bài viết gốc ở : Chính quyền một cấp ở Lý Sơn: Người dân hài lòng, công chức xã còn lo

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tàu lạ đâm chìm tàu ngư dân Lý Sơn đang khai thác rong biển ở Hoàng Sa

Trong lúc tham gia khai thác rong biển (rau chân vịt) tại ngư trường Hoàng Sa, một tàu cá cùng 7 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị tàu của nước ngoài đâm chìm. Hiện 7 ngư dân trên tàu cá đã được kịp thời cứu vớt và đang trên đường đưa về bờ. Chiều 27.5, thông tin từ UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, tàu cá bị đâm chìm mang số hiệu QNg 967.98 – TS, do ngư dân Lê Hơn (ở thôn Tây xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) làm chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 7 lao động đều là người địa phương. Tàu cá QNg 967.98 – TS cùng 7 lao động xuất bến tại đảo Lý Sơn ra khai thác rong biển tại ngư trường Hoàng Sa vào ngày 18.5 đến ngày 24.5. Khi tàu đang khai thác rong biển tại ngư trường Hoàng Sa thì bị tàu của nước ngoài xuất hiện, ngăn cản và đâm chìm. Chủ tàu cá bị nạn đã kịp thời liên lạc với tàu cá địa phương đang khai thác hải sản tại ngư trường này và được cứu vớt kịp thời. Ngay sau khi được cứu vớt lên tàu cá, chủ tàu bị nạn đã liên lạc về đất liền báo cáo và Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 2 đã ...

Lý Sơn tăng cường bảo vệ thương hiệu tỏi

Tại huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện nay, giá hành, tỏi đang liên tục giảm. Tại chợ huyện Lý Sơn, 1 kg tỏi khô loại 1 được tư thương thu mua với giá dao động ở mức 50.000-55.000 đồng, giá hành tím cũng chỉ trên dưới 15.000-17.000 đồng/kg, thấp hơn so với thời điểm sau Tết nguyên đán 20.000-30.000 đồng/kg. Theo lý giải của nhiều nông dân trồng tỏi, năm nay vì lượng tỏi được tư thương lén lút vận chuyển từ đất liền về đảo để trộn với tỏi Lý Sơn rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ kiếm lời nên tỏi Lý Sơn đang mất dần thương hiệu. Điều này khiến giá tỏi liên tục hạ dài. Được biết thời gian qua, huyện Lý Sơn đã tăng cường các biện pháp để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn bằng nhiều biện pháp. Cụ thể như hỗ trợ và vận động các chủ tàu thuyền không chở tỏi về đảo, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lén lút vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo để trộn với tỏi Lý Sơn… Phạm Mịnh Coi thêm ở : Lý Sơn tăng cường bảo vệ thương hiệu tỏi

Lý Sơn đạt tổng doanh thu từ du lịch hơn 276 tỷ đồng

Năm 2018, kinh tế Lý Sơn tiếp tục tăng trưởng ổn định, Quốc phòng an ninh được giữ vững, sản xuất, kinh doanh có bước chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Lý Sơn đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 11%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đã đạt trên 35 triệu đồng, tăng trên 5 triệu đồng so với năm 2017. Kết quả này xứng đáng để Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Lý Sơn tự hào về những thành tựu đạt được. Và, để có được thành quả trên, sự đóng góp của ngành du lịch – một ngành kinh tế trọng tâm được Lý Sơn xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020 là đặc biệt lớn. Chính sự lựa chọn phát triển du lịch để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội đã giúp cho đảo Lý Sơn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân trên đảo không ngừng được nâng cao. Bên đĩa bánh, hạt dưa ngày Tết, vợ chồng bà Võ Thị Lan – chủ dịch vụ du lịch home stay Loan Anh vui mừng vì năm 2018 là một năm làm dịch vụ du lịch thành công của gia đình mình. Mô hình du lịch home stay đã giúp...