Chuyển đến nội dung chính

Người Lý Sơn trồng gì nhiều trước khi thành ‘vương quốc tỏi’?

Lý Sơn hiện nay được mệnh danh là 'vương quốc tỏi'. Nhưng vào thế kỷ 19, người Lý Sơn chưa lấy tỏi làm cây trồng truyền thống, mà là một loại cây trồng khác. Và cây trồng đó lại gắn liền với sứ mệnh của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Đồng tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Hiện nay tại nhà thờ của các tộc họ trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn lưu giữ hàng vạn trang tài liệu Hán Nôm, mà trong số đó có những tài liệu Hán Nôm có niên đại rất sớm, từ thời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định (1601–1619), liên quan đến việc khai phá đất đảo Lý Sơn.

Ở đây xin được giới thiệu một bản tấu trình vào tháng 5 năm Minh Mạng thứ 6 (1825) của Cựu lĩnh suất (đội) Biệt nạp Cai hợp Thắng (Nguyễn Quang Thắng), Xã trưởng Trương Văn Liễu, Xã trưởng Nguyễn Văn Kháng, Cai đình Nguyễn Văn Sắt, Chấp sự Dương Văn Nhạc, Thủ bản Nguyễn Văn Chiến cùng toàn phường An Hải - Lý Sơn, thuộc Nội phủ, huyện Bình Sơn.

Từ bản tấu trình về việc nộp thuế cho kinh thành

Có thể tóm tắt nội dung tờ tấu trình này như sau: Vào tháng 8 năm Tân Dậu (1801), phường An Hải có đơn xin gia nhập đội biệt nạp phụng du (dầu phụng) tại điện Tây kỳ. Vào năm Bính Dần (1806), nhờ được phê chuẩn, nên dân binh trong cùng sổ bạ vẫn được nộp thuế tại kinh, và đến năm Kỷ Tỵ (1809) cũng theo lệ như vậy, tất cả đều nộp về kinh kỳ.

Nhưng đến tháng 9 năm Giáp Thân (1824), thì Bộ Hộ lại có công văn gửi về trấn yêu cầu phải nộp thuế tại bản trấn. Tự xét thấy, do điều kiện biển đảo cách trở, sóng gió thường xuyên nên dân binh phường An Hải vào đất liền nộp thuế rất gian nan, vì vậy dân binh An Hải xin đường quan bản trấn xét thương, cho được tiếp tục nộp theo như lệ cũ (tức tại kinh kỳ).

Tài liệu thời Minh Mạng ở Lý Sơn nói về việc đóng thuế dầu phụng

Bản tấu trình này chỉ có hai trang, nhưng phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử, hành chính, thuế khóa, sản vật địa phương… Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến một vài vấn đề:

Thứ nhất, về loại thuế thì đây là loại thuế biệt nạp, là loại thuế mà các hạng người phải đóng bằng sản vật (phân biệt với thực nạp là hạng phải đóng thuế bằng tiền và lúa, tức thuế đinh và thuế điền). Quy định nộp thuế như trên là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện thời, bắt đầu từ năm 1801, khi Nguyễn Ánh tái chiếm Phú Xuân. Bởi theo một số tài liệu lịch sử, vào tháng 5 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh tái chiếm Phú Xuân và bắt đầu bổ nhiệm các quan chức tại địa phương sau khi chiếm lại được từ tay nhà Tây Sơn; ban thưởng cho những người có công; đồng thời cũng ra chỉ dụ về việc thu thuế, với lý do mà theo Nguyễn Ánh là "việc bất đắc dĩ" phải tạm thu thuế theo ngạch cũ để dùng vào việc binh. Trong sách Đại Nam thực lục (chính biên), đệ nhất kỷ, có ghi chép: Vào tháng 6 năm Tân Dậu, cho "thu các thuế điền tô, sai dư và biệt nạp ở các phủ huyện Thuận Hóa" và còn ghi thêm rằng: cho "thu thuế điền và thuế biệt nạp ở Quảng Ngãi, thuế biệt nạp ở Quảng Nam, đều y theo lệ Thuận Hóa mà làm" (Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục (chính biên), bản dịch của Viện Sử học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 1).

Thứ hai, người chuyên lo thu thuế biệt nạp là Cai hợp đội Biệt nạp Nguyễn Quang Thắng, làm Cai hợp trong Tam ty từ thời các chúa Nguyễn (sau này theo quan chế thời Gia Long -1804, Cai hợp là chức hàm quan văn, trật tòng lục phẩm, làm việc tại các ty lệnh sử thuộc lục bộ).

Thứ ba là nơi nộp: nộp trực tiếp cho kinh thành Phú Xuân (chứ không phải nộp vào tỉnh thành Quảng Ngãi). Thứ tư, loại thuế phải nộp, tài liệu này nêu rõ, là phụng du - tức dầu phụng.

Trồng nhiều đậu phụng để nộp thuế biệt nạp?

Từ việc quy định phải nộp thuế biệt nạp, tức phải nộp bằng chính sản vật đặc trưng của địa phương, thì thứ mà người An Hải - Lý Sơn phải nộp thời bấy giờ chính là phụng du - tức dầu phụng. Qua việc phải nộp thuế bằng dầu phụng, có thể suy đoán rằng: lúc đó ở phường An Hải (tức là xã An Hải bây giờ) nói riêng, và có thể cả Lý Sơn nói chung, có trồng nhiều cây đậu phụng, là thứ cây trồng đặc trưng ở đây (chứ không phải là tỏi, hành như hiện nay).

Một góc An Vĩnh - Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Về lực lượng chuyên đi thu thuế dầu phụng, có thể đề cập thêm một văn bản Hán Nôm khác, còn lưu tại tộc họ Võ, đó là đơn xin của phường An Vĩnh (ở Cù Lao Ré - Lý Sơn) tách khỏi xã An Vĩnh (ở vùng cửa biển Sa Kỳ) vào ngày 11 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804), do Cai đội Nguyễn Văn Giai, Cai đội Võ Văn Khiết cùng toàn phường An Vĩnh kính trình. Tờ đơn này có nêu công lao của các bậc tiền nhân trong việc lập Đội Hoàng Sa đi bảo vệ vùng biển đảo, tìm kiếm các hải vật đem về kinh phụng nộp; trong đó còn có nêu: Các cai đội trước thời Gia Long là Nguyễn Thụ, Nguyễn Văn Giai đã lập thêm hai đội thu thuế, đều do Đội Hoàng Sa kiêm quản, đó là Đội Quế hương và Đội Phụng du, các đội chuyên này đi thu thuế mắm và thuế dầu phụng. Từ văn bản này, có thể biết thêm là việc đi thu thuế dầu phụng chính là chức năng của Đội Phụng du, do Đội Hoàng Sa lập ra và kiêm quản; và trước thời Gia Long, đậu phụng đã một thứ cây trồng phổ biến, đặc trưng trên đảo Lý Sơn, chứ không phải đợi đến thời Minh Mạng.

Nhưng mỗi người đến tuổi chịu thuế ở Lý Sơn phải nộp bao nhiêu dầu phụng? Trong một bản tấu trình khác, cũng của gia tộc họ Nguyễn Quang làng An Hải, được viết vào ngày 12 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), do Lý trưởng Nguyễn Văn Huân, chức dịch Lê Văn Xúc cùng các Hương mục thuộc 7 họ bản phường An Hải, có cho biết rõ thêm: Vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), triều đình lại quy định: hàng năm mỗi người phải chịu nạp thuế biệt nạp là 50 cân dầu phụng, và còn nộp thêm hương du (dầu thơm) cùng cá khô, cá trích…

Nguyễn Đăng Vũ

Xem bài nguyên mẫu tại : Người Lý Sơn trồng gì nhiều trước khi thành ‘vương quốc tỏi’?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tàu lạ đâm chìm tàu ngư dân Lý Sơn đang khai thác rong biển ở Hoàng Sa

Trong lúc tham gia khai thác rong biển (rau chân vịt) tại ngư trường Hoàng Sa, một tàu cá cùng 7 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị tàu của nước ngoài đâm chìm. Hiện 7 ngư dân trên tàu cá đã được kịp thời cứu vớt và đang trên đường đưa về bờ. Chiều 27.5, thông tin từ UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, tàu cá bị đâm chìm mang số hiệu QNg 967.98 – TS, do ngư dân Lê Hơn (ở thôn Tây xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) làm chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 7 lao động đều là người địa phương. Tàu cá QNg 967.98 – TS cùng 7 lao động xuất bến tại đảo Lý Sơn ra khai thác rong biển tại ngư trường Hoàng Sa vào ngày 18.5 đến ngày 24.5. Khi tàu đang khai thác rong biển tại ngư trường Hoàng Sa thì bị tàu của nước ngoài xuất hiện, ngăn cản và đâm chìm. Chủ tàu cá bị nạn đã kịp thời liên lạc với tàu cá địa phương đang khai thác hải sản tại ngư trường này và được cứu vớt kịp thời. Ngay sau khi được cứu vớt lên tàu cá, chủ tàu bị nạn đã liên lạc về đất liền báo cáo và Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 2 đã ...

Lý Sơn tăng cường bảo vệ thương hiệu tỏi

Tại huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện nay, giá hành, tỏi đang liên tục giảm. Tại chợ huyện Lý Sơn, 1 kg tỏi khô loại 1 được tư thương thu mua với giá dao động ở mức 50.000-55.000 đồng, giá hành tím cũng chỉ trên dưới 15.000-17.000 đồng/kg, thấp hơn so với thời điểm sau Tết nguyên đán 20.000-30.000 đồng/kg. Theo lý giải của nhiều nông dân trồng tỏi, năm nay vì lượng tỏi được tư thương lén lút vận chuyển từ đất liền về đảo để trộn với tỏi Lý Sơn rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ kiếm lời nên tỏi Lý Sơn đang mất dần thương hiệu. Điều này khiến giá tỏi liên tục hạ dài. Được biết thời gian qua, huyện Lý Sơn đã tăng cường các biện pháp để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn bằng nhiều biện pháp. Cụ thể như hỗ trợ và vận động các chủ tàu thuyền không chở tỏi về đảo, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lén lút vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo để trộn với tỏi Lý Sơn… Phạm Mịnh Coi thêm ở : Lý Sơn tăng cường bảo vệ thương hiệu tỏi

Lý Sơn đạt tổng doanh thu từ du lịch hơn 276 tỷ đồng

Năm 2018, kinh tế Lý Sơn tiếp tục tăng trưởng ổn định, Quốc phòng an ninh được giữ vững, sản xuất, kinh doanh có bước chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Lý Sơn đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 11%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đã đạt trên 35 triệu đồng, tăng trên 5 triệu đồng so với năm 2017. Kết quả này xứng đáng để Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Lý Sơn tự hào về những thành tựu đạt được. Và, để có được thành quả trên, sự đóng góp của ngành du lịch – một ngành kinh tế trọng tâm được Lý Sơn xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020 là đặc biệt lớn. Chính sự lựa chọn phát triển du lịch để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội đã giúp cho đảo Lý Sơn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân trên đảo không ngừng được nâng cao. Bên đĩa bánh, hạt dưa ngày Tết, vợ chồng bà Võ Thị Lan – chủ dịch vụ du lịch home stay Loan Anh vui mừng vì năm 2018 là một năm làm dịch vụ du lịch thành công của gia đình mình. Mô hình du lịch home stay đã giúp...