Chuyển đến nội dung chính

Không quyết định vội vã dự án resort ở Lý Sơn

Trao đổi với Một Thế Giới về việc chính quyền tỉnh đồng ý chủ trương cho triển khai dự án resort 70 ha ở đảo tiền tiêu Lý Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khẳng định: ‘Yên tâm, không quyết định vội vã được’.

[caption id="attachment_9701" align="aligncenter" width="650"] This is the image description[/caption]

Như Một Thế Giới đã thông tin, trong cuộc họp ngày 12.1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã "thống nhất về chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam được nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án resort, khách sạn và thương mại tại huyện Lý Sơn. Đề nghị Nhà đầu tư sớm hoàn chỉnh dự án, trình UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến".

Dự án resort, khách sạn và thương mại được Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam đề xuất triển khai tại phía tây huyện đảo Lý Sơn. Đây là khu vực tập trung nhiều danh lam, thắng cảnh của đảo Lý Sơn như chùa Hang, Cổng Tò Vò, miệng núi lửa Thới Lới… trên tổng diện tích khoảng 20 ha. Ngoài ra, Công ty​ cũng đề xuất cho phép phạm vi nghiên cứu ngoài âu tàu, trên diện tích khoảng 50 ha, là khu vực tiếp giáp với dự án.

Nhà đầu tư đề xuất các hạng mục đầu tư dự án như: Khu nhà Shophouse; khu Nhà hàng, Khách sạn; khu Spa, Yoga, Bar, Gym; khu bể bơi chung, bể bơi riêng, khu bể bơi lướt sóng; phun nước nghệ thuật; khu kỹ thuật - dịch vụ khác…

Sau khi có thông tin này, nhiều nhà khoa học, chuyên gia và dư luận đã bày tỏ quan ngại cho đảo Lý Sơn nếu dự án được triển khai.

Từ Hội An, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên gia của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cho rằng: “Tôi cũng ra Lý Sơn nhiều rồi, theo tôi hiện nay không gian cho du khách ở lại Lý Sơn đã đủ rồi. Cái hướng nên phát triển là homestay, gắn liền cho du khách ở trong nhà dân và làm thế nào để các homestay đó phát triển lên và người dân ở đó dần dần đầu tư mạnh lên trên chính ngôi nhà của họ. Còn những mảnh đất kia nên giữ lại để có không gian công cộng, hài hòa với văn hóa”.

[caption id="attachment_9734" align="aligncenter" width="650"]Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy[/caption]

Cũng lo lắng cho sự phát triển của Lý Sơn, PGS.TS. Võ Văn Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trưởng nhóm Nhóm Nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) đã có bài phân tích và cảnh báo trên Một Thế Giới. Trong đó, ông lưu ý: “Muốn phát triển bền vững thì xin đừng biến Lý Sơn thành một đô thị hiện đại, đừng thêm resort, đừng thêm khách sạn 4, 5 sao và đừng khiến cộng đồng bản địa mất bản sắc. Phải thay đổi cách tiếp cận làm du lịch, không cần tăng lượt khách, không cần tăng cơ sở lưu trú, nhưng doanh thu vẫn tăng, thuế vẫn thu đủ và cộng đồng bản địa phải được hưởng lợi. Xin đừng theo “vết chân” Sa Pa (Lào Cai), Bản Lác (Hòa Bình) hay kể cả một bản quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng) gây nhiều tranh cãi…”.

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết: “Về khu resort hiện nay tỉnh mới cho chủ trương nghiên cứu khảo sát thôi. Về phía huyện mong muốn nhà đầu tư nên phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức một cuộc hội thảo để cho các nhà nghiên cứu về địa chất, bảo tồn biển và địa phương có thể tham gia góp ý một cách thẳng thắn và công khai về dự án này. Nếu phù hợp thì triển khai thực hiện”.

"Về dự án khách sạn 10 tầng thì hiện nay UBND huyện mới cho ý kiến chứ Ban thường vụ Huyện ủy chưa cho ý kiến về dự án này. Tuy nhiên theo quy hoạch xây dựng 1/2000 đã duyệt thì hiện nay ở Lý Sơn không có chỗ nào cho phép xây dựng 10 tầng hết, chỉ khống chế đến 3 tầng nên quy mô xây dựng như vậy không phù hợp".

"Quan điểm của huyện là làm sao trong quá trình phát triển du lịch của Lý Sơn phải đi theo hướng cộng đồng là chủ yếu, làm sao để người dân Lý Sơn tham gia làm dịch vụ, có thu nhập và giảm nghèo bền vững. Đối với một số vị trí đất ở Lý Sơn hiện nay tương đối có giá trị, quan điểm của Ban thường vụ Huyện ủy Lý Sơn là phải có một cơ chế để không làm thất thoát giá trị quyền sử dụng đất. Người dân Lý Sơn cũng mong muốn đối với những vị trí theo quy hoạch là đất thương mại dịch vụ thì nhà nước nên có hình thức là đấu giá quyền sử dụng đất để mọi người được tham gia đấu giá kinh doanh dịch vụ theo các tiêu chí do nhà nước quy định. Theo cách này sẽ hạn chế được việc thất thoát giá trị quyền sử dụng đất. Chứ nhà đầu tư nào đến chỉ chỗ nào cũng giao thì người dân Lý Sơn không được hưởng lợi mà lại thất thoát giá trị sử dụng đất nữa, việc này rất bất hợp lý", ông Vy cho hay.

Phải đong đếm hết sức cẩn thận

Cũng liên quan đến dự án resort đang dự định triển khai, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT) nhận định: “Với một hòn đảo nhỏ như Lý Sơn thì 70 ha mặt biển và mặt đất là rất lớn, cần rất thận trọng khi ra quyết định. Nhất là khi đây lại là khu bảo tồn biển và đang chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đấy là chưa kể đến những giá trị kiểu như một quần thể núi lửa, rạn san hô, rồi các giá trị văn hóa, lịch sử khác...”.

Có thể chính quyền các cấp thấy rằng đây là một dự án đầu tư phát triển rất lớn, rất quan trọng và phù hợp với quy hoạch, rằng nếu không phát triển thì bảo tồn để làm gì... Nhưng theo ông Văn phân tích: “Có thể là dự án đang phù hợp với quy hoạch hiện nay, nhưng cần biết rằng nó sẽ phải được rà soát, điều chỉnh lại một khi được công nhận (Công viên địa chất toàn cầu)”.

“Hai nữa, đầu tư phát triển có nhiều cách, không nhất thiết phải mời gọi nhà đầu tư lớn từ Hà Nội vào hay từ TP.HCM ra. Một Công viên địa chất cần hướng tới tạo sinh kế cho đông đảo cộng đồng địa phương. Đầu tư tư nhân từ bên ngoài vào tất nhiên cũng được khuyến khích nhưng nếu lợi ích phần lớn về tay nhà đầu tư bên ngoài trong khi cộng đồng địa phương không được mấy thì cũng không phải là ưu tiên”.

“Thứ ba, đương nhiên là địa phương cần đầu tư phát triển du lịch nhưng trước hết hãy phân tích xem đối tượng du khách sẽ là ai. Theo tôi du khách sẽ đến với Lý Sơn vì những giá trị di sản của nó chứ không vì tiện nghi 5 sao hay vì nó là một trung tâm shopping. Vì thế cần hướng đến gìn giữ một môi trường tốt, một hệ sinh thái tốt, nguyên sơ nữa thì càng tốt”.

“Cũng vì diện tích nhỏ như vậy, các giá trị di sản đậm đặc như vậy... nên khả năng lưu giữ du khách ở lại lâu có lẽ không khả thi. Chưa kể du lịch ở đây khó có thể diễn ra quanh năm được vì lý do thời tiết”.

Vị này cảnh báo: “Với diện tích nhỏ, dân số hiện tại đã khá lớn, việc hấp dẫn thêm một lượng du khách đến đây sẽ chỉ chất thêm gánh nặng cho môi trường, cho cơ sở hạ tầng. Có thể người dân địa phương sẽ phải di dời đi chỗ khác, nhường chỗ cho nhà đầu tư mới... Và những giá trị di sản văn hóa bản địa sẽ nhạt dần... Những tác động tiềm năng này sẽ cần phải được cân đo đong đếm hết sức cẩn thận”.

“Theo tôi, việc cần làm lúc này là làm thế nào để được UNESCO công nhận, sau đó rà soát điều chỉnh quy hoạch, rồi xây dựng Công viên địa chất toàn cầu theo định hướng phát triển bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, khuyến khích du lịch sinh thái, du lịch di sản... mới là định hướng bền vững, lâu dài”, ông Trần Tân Văn khuyến cáo.

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng

Tham khảo bài viết gốc ở : Không quyết định vội vã dự án resort ở Lý Sơn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bão số 13: Từ đêm nay 13-11, vùng biển miền Trung gió giật trên cấp 7

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa phát đi bản tin báo bão khẩn cấp về cơn bão số 13. Theo đó, từ đêm nay (13-11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 7-8, biển động dữ dội. Hồi 16h chiều nay (13-11), vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16h chiều mai (14-11), vị trí tâm bão nằm ngay trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/h), giật cấp 14. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấ

Chính quyền 1 cấp ở Lý Sơn: Đề xuất hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc

Bên cạnh đề xuất chuyển 57 cán bộ, công chức cấp xã thành biên chế cấp huyện, chính quyền Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng kiến nghị hỗ trợ thêm cho số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn sau khi nghỉ việc. Huyện đảo Lý Sơn sẽ không còn cấp xã Sẽ giải thể 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn Lý Sơn sẽ là “chính quyền huyện không xã” đầu tiên ? Lý Sơn: Hoàn thành việc bàn giao để giải thể cấp xã Ngày 20/3, ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Thực hiện xây dựng chính quyền một cấp, hiện tại 3/3 xã trên địa bàn huyện đã hoàn tất các thủ tục, thống kê, kiểm kê các tài sản và kể cả thống kê các tài liệu có liên quan và bàn giao cho huyện đúng tiến độ. Trong đó, xã An Vĩnh và An Hải bàn giao ngày 13/3; xã An Bình bàn giao ngày 14/3. Từ ngày 15/3, các xã không giải quyết không việc mới phát sinh, chỉ giải quyết những công việc tồn đọng. Việc bàn giao con dấu kết thúc trước 17h ngày 31/3/2020”. Các xã đã hoàn thành việc bàn giao công việc cho huyện. Th

Đề xuất bảo tồn 5 nguồn gen hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa đảo Lý Sơn

Nguồn tài nguyên hải sản có nguồn gen quý hiếm tại huyện đảo Lý Sơn đang ngày càng cạn kiệt do ngư dân địa phương khai thác gần bờ bằng nhiều phương thức mang tính chất tận diệt để phục vụ nhu cầu tiêu thụ hải sản của du khách đến đảo Lý Sơn. Ngày 11-5, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã gửi đề xuất 5 nguồn gen loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa cấp tỉnh cần được bảo tồn tại huyện đảo Lý Sơn lên UBND huyện Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, 5 nguồn gen gồm hải sâm, bào ngư, trai tai tượng, tôm hùm, các loài rong biển là những nguồn gen bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học, dinh dưỡng, y dược cao. Hải sâm sống ở tầng đáy, trên lưng có từ 7 đến 9 núm vú, da trơn, thường nằm trong các kẽ đá, hoặc vùi dưới cát, thức ăn là sinh vật phù du. Nhiều loài hải sâm sống được ở độ sâu 80-90m nước. Đánh bắt bằng lặn hoặc dò tìm thủ công. Thực trạng tại huyện đảo Lý Sơn là nguồn tài nguyên hải sản có nguồn gen quý hiếm đang ngày càng cạn kiệt d