Chuyển đến nội dung chính

Tiếng ốc u trên đảo Lý Sơn

Mỗi bận diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ai cũng nghe sau hồi thổi ốc u giục giã mới đến lúc tiễn hình nhân binh phu xuống thuyền để đi Hoàng Sa.

Hiệu lệnh chỉ huy, liên lạc cho cả đoàn thuyền binh phu chính là con ốc u thổi lên từng hồi dài, ngắn.
Trên đảo Lý Sơn, tiếng ốc u còn là còi báo động cướp biển; trang bị cho những nhóm tuần sương bảo vệ mùa màng cho người dân xứ đảo tỏi.

Hơn 60 năm ôm… con ốc u

Đến nhà ông Võ Chú (83 tuổi) ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, hỏi về chuyện thổi ốc u, lão ngư tóc bạc phơ phơ quay vào buồng cầm ra con ốc to, màu vàng giới thiệu: "Đây là con ốc u. Nó theo tui từ ngày chưa có vợ". Mân mê con ốc u, lão ngư kể duyên nghiệp vì sao mình thổi ốc u đến tận bây giờ.

[caption id="attachment_9249" align="aligncenter" width="1024"]Đua thuyền trên đảo Lý Sơn Đua thuyền trên đảo Lý Sơn[/caption]

Cha ông Chú thổi ốc u hay nhất ở đảo. Thấy cha thổi ốc u, đêm đêm lại vác đi tuần tra, ông Chú thấy thương cha. Trong một bữa cơm chiều, ông Chú nghe cha mình nói, thổi ốc u khó tìm người thay. "Đi tuần ban đêm không thổi ốc u được thì làm sao bắt trộm nên người biết thổi phải gánh vác", ông Chú kể. Từ ngày đó, ông Chú tập thổi ốc u. Cha ông biết, nói "gia truyền" chi cái nghề "rát cổ, thóp bụng" này. "Con thổi được, sẽ thay cha đi tuần sương", ông Chú đáp.

Rình bắt Ốc u

Gần 20 tuổi, thổi rành ốc u, ép hơi thổi được từng hồi dài, ngắn, dồn dập, thư thả, ngân nga... ông Chú chính thức thay cha lo việc tuần sương (tuần ban đêm). “Tui khỏe, thổi ốc u hay nên hồi 20 tuổi được bầu làm trưởng nhóm tuần sương. Đến giờ đã hơn 60 năm rồi”, ông Chú nói.
Con ốc u ngày đó màu không láng, sáng vàng đẹp như bây giờ.

Để có con ốc to chừng 3 - 4 kg này không phải dễ, bởi nó chuyên sống trong hang đá dưới đáy biển. Mỗi bận chiều mát, nó mới ra khỏi hang ăn mồi, sau đó nếu phát hiện có mối nguy hiểm là chui vào hang ngay. Ông Chú bắt được nó là nhờ kiên nhẫn rình vài ngày ở cửa hang đá gần bên đảo Bé (thuộc đảo Lý Sơn, nay là xã An Bình).

Để thổi được phải nén hơi liên tục

Con ốc này giờ láng bóng bao nhiêu thì chủ của nó - ông Chú, không thể cưỡng lại thời gian, đã nhăn nheo bấy nhiêu.
Hơn 60 năm thổi ốc u, ông Chú bảo, thổi nó khó nhất là lúc làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ này, chỉ có pháp sư cho phép mới được thổi, tùy hồi dài, ngắn hay thổi thúc giục 2, 3 hồi làm một. Cứ sau ngày lễ này, vì phải nén hơi liên tục, bụng ông Chú cuộn cứng lại. “Ốc u có khi thổi hơi dài đến 5 phút. Lúc tiếng u…u…u phát ra là lúc uốn lưỡi lấy hơi, để tiếp tục thổi liền ngay sau đó.

Ốc u thì nhiều người thổi được, nhưng thổi theo điệu, theo bài, ngắn dài, giục giã, vang ngân xa mấy trăm mét, thậm chí cả ngàn mét thì cả đảo bây giờ chỉ còn có 3 người. Mai mốt tui đi rồi, không biết còn ai thổi ốc cho ngày lễ khao lề”, ông Chú trầm ngâm, mắt nhìn ra con sóng bạc xa xa.

Ngủ ngon nhờ tiếng ốc u

Ông Trần Bút, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, bảo: "Đêm không nghe tiếng ốc u, bỗng thấy nhơ nhớ". Thời thơ ấu và thanh niên của ông Bút luôn gắn với con ốc u. Sau năm 1975, những ai biết thổi ốc u thường được vinh dự đứng vào hàng ngũ dân quân, đêm đêm được ôm súng đi tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trên đảo.

[caption id="attachment_9250" align="aligncenter" width="485"]Ông Võ Chú và con ốc u đã theo ông mấy mươi năm Ông Võ Chú và con ốc u đã theo ông mấy mươi năm[/caption]

Cứ mỗi xã có một trung đội dân quân có vài ba người biết thổi ốc u. Mỗi đêm đi tuần, trung đội chia ra làm 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 1 người biết thổi ốc u. Liên lạc với nhau trong đêm, những tiểu đội này dùng ốc u thổi lên, không theo bài bản, không hay như ông Võ Chú nhưng họ cũng nhận ra quân mình. “Đêm đêm, bà con dân đảo, cứ nghe tiếng ốc u của dân quân, ai cũng thấy an tâm, ngủ yên hơn. Bởi tỏi, hành đã có người bảo vệ. Những đêm không nghe tiếng ốc, bà con thấy như thiếu vắng gì đó”, ông Bút nói.

Đội tuần tra dùng ốc u để liên lạc với nhau

Rồi ông Bút kể, mấy trăm năm trước, đảo Lý Sơn là nơi thuận tiện cho tàu thuyền đi ngang ghé vào lấy nước và lương thực để tiếp bước hải hồ. Những nhóm người lên đảo không phải ai cũng hữu ý. Có kẻ lên đảo vờ tiếp nước ngọt, lương thực, nhưng dò xét, nếu điều kiện thuận lợi là cướp bóc, thậm chí còn chiếm đảo. Để chống lại cướp biển, người dân đảo Lý Sơn dùng đội bảo vệ tuần tra và dùng ốc u liên lạc.

Khi phát hiện bọn cướp tấn công vào đảo, đội tuần tra thổi từng hồi ốc u dồn dập, khẩn cấp. Bà con sống trên đảo tập trung trai tráng, dân binh đến chống lại. Đến lúc đánh lui cướp biển, ốc u lại ngân lên từng hồi êm ái, báo hiệu sự bình yên trở lại.

Trầm hùng theo sóng binh phu

Ra Lý Sơn nghe câu: “Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”. Câu ca dao chỉ những ai từng dự lễ này mới biết: Xưa, mỗi bận tế sống những đội binh phu "người đi thì có, người không thấy về" ra làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa, sau những hồi ốc u cất lên dồn dập, đoàn binh phu tức tốc xuống thuyền giong thẳng ra khơi. Giữa muôn bề sóng dữ, đoàn binh phu có 5 chiếc thuyền, trong đó thuyền chánh đội chỉ huy đi giữa, 4 thuyền binh phu khác đi xung quanh.

Một bận trò chuyện với ông Nguyễn Cậu, nguyên là Trưởng ban Khánh tiết lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của đảo Lý Sơn, tôi mới biết, giữa trùng khơi bão bùng, thuyền chánh đội và 4 thuyền binh phu liên lạc với nhau qua tiếng ốc u. Ông Cậu cho biết: Tiếng kèn, hay tù và, trống rất dễ bị tiếng sóng làm tan đi, nhưng tiếng trầm hùng của con ốc u thì xuyên qua sóng, không loãng, nhầm với tiếng nào khác.

Thổi ốc u, triệu tập quân

Sau lần gặp ấy, tôi thắc mắc, chánh đội thổi ốc u như thế nào để triệu tập quân, chỉ huy đoàn thuyền? Chuyến ra đảo Lý Sơn gần đây, tìm ông Nguyễn Cậu thì ông đã về với tổ tiên. Trở lại nhà ông Võ Chú trong một đêm mưa hỏi chuyện, thì ra lão ngư này cũng rành chuyện của binh phu. Theo ông Chú, từ thuyền chánh đội, nghe thổi 3 tiếng, các thuyền binh khác thổi lại 3 tiếng, xem như không có bất trắc gì. Thuyền chánh đội thổi 6 tiếng là hiệu lệnh cho các thuyền trưởng về thuyền chánh họp bàn. Thuyền chánh đội thổi 9 tiếng là báo động có địch, chuẩn bị nghênh chiến.

Ông Chú nói: “Nếu binh phu yểu mệnh, chánh đội mang chiếu ra quấn thi thể binh phu cùng với thẻ bài, thả xuống biển, tiếng ốc u 3 hồi thê lương nổi lên tiễn biệt. Sống kiếp binh phu, ra biển xông pha hồ hải cũng từ tiếng ốc u, chết đi cũng tiếng ốc u đưa tiễn”.

Khi ra đến đảo Hoàng Sa, một thuyền binh phu làm nhiệm vụ tiến vào đảo trước, nếu thấy có người thì thổi ốc u một hơi dài báo hiệu cho các thuyền và binh phu khác biết chừng. "Thổi một hơi thôi, vì thổi nhiều sợ bị phát hiện. Còn nếu xảy ra chiến đấu thì người cầm ốc u phải thổi liên tục để báo hiệu cho cả đội binh phu đến ứng cứu", ông Chú kể.

Phạm Anh

Coi nguyên bài viết ở : Tiếng ốc u trên đảo Lý Sơn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bão số 13: Từ đêm nay 13-11, vùng biển miền Trung gió giật trên cấp 7

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa phát đi bản tin báo bão khẩn cấp về cơn bão số 13. Theo đó, từ đêm nay (13-11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 7-8, biển động dữ dội. Hồi 16h chiều nay (13-11), vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16h chiều mai (14-11), vị trí tâm bão nằm ngay trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/h), giật cấp 14. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấ

Chính quyền 1 cấp ở Lý Sơn: Đề xuất hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc

Bên cạnh đề xuất chuyển 57 cán bộ, công chức cấp xã thành biên chế cấp huyện, chính quyền Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng kiến nghị hỗ trợ thêm cho số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn sau khi nghỉ việc. Huyện đảo Lý Sơn sẽ không còn cấp xã Sẽ giải thể 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn Lý Sơn sẽ là “chính quyền huyện không xã” đầu tiên ? Lý Sơn: Hoàn thành việc bàn giao để giải thể cấp xã Ngày 20/3, ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Thực hiện xây dựng chính quyền một cấp, hiện tại 3/3 xã trên địa bàn huyện đã hoàn tất các thủ tục, thống kê, kiểm kê các tài sản và kể cả thống kê các tài liệu có liên quan và bàn giao cho huyện đúng tiến độ. Trong đó, xã An Vĩnh và An Hải bàn giao ngày 13/3; xã An Bình bàn giao ngày 14/3. Từ ngày 15/3, các xã không giải quyết không việc mới phát sinh, chỉ giải quyết những công việc tồn đọng. Việc bàn giao con dấu kết thúc trước 17h ngày 31/3/2020”. Các xã đã hoàn thành việc bàn giao công việc cho huyện. Th

Đề xuất bảo tồn 5 nguồn gen hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa đảo Lý Sơn

Nguồn tài nguyên hải sản có nguồn gen quý hiếm tại huyện đảo Lý Sơn đang ngày càng cạn kiệt do ngư dân địa phương khai thác gần bờ bằng nhiều phương thức mang tính chất tận diệt để phục vụ nhu cầu tiêu thụ hải sản của du khách đến đảo Lý Sơn. Ngày 11-5, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã gửi đề xuất 5 nguồn gen loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa cấp tỉnh cần được bảo tồn tại huyện đảo Lý Sơn lên UBND huyện Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, 5 nguồn gen gồm hải sâm, bào ngư, trai tai tượng, tôm hùm, các loài rong biển là những nguồn gen bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học, dinh dưỡng, y dược cao. Hải sâm sống ở tầng đáy, trên lưng có từ 7 đến 9 núm vú, da trơn, thường nằm trong các kẽ đá, hoặc vùi dưới cát, thức ăn là sinh vật phù du. Nhiều loài hải sâm sống được ở độ sâu 80-90m nước. Đánh bắt bằng lặn hoặc dò tìm thủ công. Thực trạng tại huyện đảo Lý Sơn là nguồn tài nguyên hải sản có nguồn gen quý hiếm đang ngày càng cạn kiệt d